Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật XXII Mùa Thường Niên - Năm B | Mc 7,1-8a.14-15.21-23 | Lm Alfonsô

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2.6-8

“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môisen nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14,2-3ab.3cd-4ab.4c-5

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c.1a)

Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

Xướng: Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. 

Bài Ðọc II: Gc 1,17-18.21b-22.27

“Anh em hãy thực thi lời đã nghe”.

Trích thư thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này. Đó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia! 

(Ga 14,5) – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 7,1-8a.14-15.21-23)

Khi ấy, những người Biệt phái và mấy Luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người Biệt phái và mọi người Do Thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người Biệt phái và Luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm

Dân Do Thái trải qua một thời kỳ lịch sử bị lưu đày hết lần này tới lần khác. Chính vì lẽ đó mà dân bị giao thoa và pha tạp với nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng. Khi Đức Chúa sai Môisen giải thoát dân từ ách nô lệ Ai Cập về, Môisen đã dạy bảo dân chúng lắng nghe huấn lệnh và tuân hành lề luật của Chúa để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông sẽ ban cho dân. Ông còn cẩn thận căn dặn: “Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi.”

Năm 587 trước Chúa Giáng Sinh, kinh đô Giêrusalem lại bị thất thủ, đền thờ bị phá đổ tang hoang, người Do thái lưu đày tủi nhục nơi xứ lạ quê người bên Babylon. Đền thờ và việc tế lễ không còn, niềm tin của người Do Thái dần lung lay. Hơn nữa sống giữa người ngoại, nhiều người Do Thái đã dần dà bỏ đạo Chúa và thờ cúng các bụt thần. Trước tình cảnh đó, những người đứng đầu trong dân đã ra sức cứu vãn niềm tin của dân mình bằng cách đặt ra những luật lệ nghiêm ngặt, ngăn cấm dân tiếp xúc với kẻ ngoại bang vì sẽ bị coi là ô uế nhằm bảo vệ đức tin nguyên tuyền. Thế nhưng sau khi lưu đày trở về, những khoản luật rất là tỉ mỉ ấy bị các nhà giải thích luật đưa đi quá trớn, trở thành thói vụ hình thức.

Năm 333 trước Chúa Giáng Sinh, nước Hy Lạp nổi lên một vị anh hùng Alexandre đại đế. Chỉ mới 20 tuổi mà ông đã chứng tỏ tài thao lược của mình đánh đâu thắng đó, bẻ gãy ách đô hộ của đế quốc Ba Tư lúc đó đang đè nặng trên phần đất Hy Lạp. Đồng thời, vị đại đế này đưa Hy lạp lên vị trí bá chủ, quyền lực trải rộng cho tới Ấn Độ, biến Ba Tư trở thành nước chư hầu, Do Thái bé nhỏ cũng rơi vào vòng thống trị của đế quốc Hy Lạp. Trước nền văn minh Hy Lạp trổi vượt, nhiều người Do Thái dần chịu ảnh hưởng cách ăn mặc, ngôn ngữ, kiểu sống văn hóa Hy Lạp. Các quan thái thú Hy Lạp dùng uy thế để buộc người Do Thái bỏ đạo Chúa, ăn thịt heo và thờ cúng các vị thần Hy Lạp, nếu không sẽ bị xử tử. Trước nguy cơ dân tộc và đức tin vào Chúa bị lụi tắt, những nhà lãnh đạo tinh thần của dân Do Thái càng ra sức giữ gìn truyền thống tốt đẹp với những khoản luật buộc giữ mình khỏi bị lây nhiễm nọc độc của ngoại bang, trong đó có những luật về ăn uống, về cách giữ các lễ nghi.

Tới thời Chúa Giêsu thì luật lệ đã quá sức chi ly, đi đâu về, trước khi vào nhà đều phải rửa tay rửa chân, trước khi ăn uống cũng phải rửa tay chân, và những chén dĩa ly tách dùng để ăn uống cũng phải rửa nhiều lần trong ngày. Điều đáng lưu ý là những luật này không phải để giữ vệ sinh hay bảo vệ sức khoẻ, mà chỉ để giữ nghi thức. Xem dân ngoại là ô uế, nên khi ra đường là có tiếp xúc, cho nên dù không dơ nhưng cũng phải tắm rửa, ai không làm vậy thì bị coi là người tội lỗi, bị người khác chỉ trích và kết án nặng nề. Vì vậy mà họ bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu dùng bữa với bàn tay không rửa trước, không kiêng kỵ người ngoại, qua đó nhằm chỉ trích luôn cả thầy không biết dạy trò nắm giữ truyền thống luật lệ cha ông.

Đối với dân Do Thái, việc tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa là vấn đề sống còn. Lề Luật là lẽ khôn ngoan cho mỗi người, vì nó là kim chỉ nam cho cuộc sống đức hạnh (đây là ý nghĩa của Tora để chỉ Lề Luật theo tiếng Hípri). Qua những nét đặc thù này, họ nhấn mạnh phẩm chất của dân tộc mình là dân được Thiên Chúa chọn và tách riêng khỏi mọi dân tộc khác, vì thế họ không được sống như dân ngoại. Thế nhưng, để trung thành với lề luật tổ tiên, họ đã dần giải thích làm sao ra hơn 600 giới răn, và dạy dân chúng tuân giữ kỹ lưỡng từng chi tiết.

Nhân tiện trước sự chỉ trích gay gắt của những Biệt phái và Luật sĩ từ Giêrusalem nơi được xem là trái tim của tôn giáo, Chúa Giêsu đã giúp cho họ ý thức lại đâu là Lề Luật mà Thiên Chúa dạy phải tuân giữ, đâu là tập tục do con người đặt ra. Dĩ nhiên luật lệ rất cần thiết và hữu ích để gìn giữ không cho tấm lòng đi lệch lạc. Chúa Giêsu dạy con người chúng ta không được thay thế những huấn lệnh của Thiên Chúa bằng những quy tắc phàm nhân, bởi vì những quy tắc phàm nhân xem việc tuân giữ bên ngoài là quan trọng, thì những giới luật của Thiên Chúa biến đổi con người từ bên trong.

Yếu tố làm cho con người ra dơ bẩn thực sự không phải cái người ta ăn vào, mà là điều người ta suy nghĩ trong lòng và phát xuất ra bên ngoài thành hành động: “Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Đó là tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những tội lỗi này liên quan đến tình yêu, đến tha nhân. Đời sống con người chúng ta sẽ bị xét đoán dựa theo tình yêu và tấm lòng của chúng ta (Mt 25). Đối với Thiên Chúa, không phải những cử chỉ bên ngoài là quan trọng, mà điều cần thiết nhất là tấm lòng, là con tim chan chứa tình thương. Chỉ chú ý đến luật lệ mà bỏ hẳn tấm lòng thì quả là một sai lầm nghiêm trọng, vì khi ấy người ta sẽ sống nệ luật, giả hình, bề ngoài mà thôi. Các vị tiên tri mà Thiên Chúa sai đến cũng thường lên án thứ tôn giáo duy hình thức ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Rất có thể con người ngày nay không thích kể ra những tật xấu. Thời đại của chúng ta đã đánh mất quá lớn ý thức về một điều cốt yếu trong mọi nền văn minh cổ đại: Đó là vẻ đẹp của đức tính và cái xấu của tội lỗi.

Lề Luật và huấn lệnh diễn tả sự khôn ngoan và thánh thiện của Thiên Chúa là quy luật sống cho mỗi người tín hữu. Nhờ Lề luật, Thiên Chúa ở gần dân, nhờ sống trong Lề luật mà lời dân kêu cầu dễ vang vọng lên ngai tòa Chúa. Đó là điều mà người Kitô hữu chúng ta có quyền hãnh diện, như Môisen đã tự hào: “ ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người.” (4,7).

Một sư phụ hỏi các đệ tử của mình: “Cái gì ta phải lo tránh nhất trong cuộc đời?” Sau đây là những câu trả lời của các đệ tử:

– Một con mắt xấu

– Một người bạn xấu

– Một người láng giềng xấu

– Một trái tim xấu.

Sư phụ đánh giá câu trả lời thứ tư là đúng nhất, bởi vì một trái tim xấu chứa đựng tất cả những sự xấu khác. Sau đó sư phụ lại hỏi: “Vậy cái gì ta cần bồi dưỡng nhất trong cuộc đời?” Cũng có những câu trả lời tương tự :

– Một con mắt tốt.

– Một người bạn tốt.

– Một người láng giềng tốt

– Một trái tim tốt.

Vị sư phụ cũng đánh giá câu trả lời thứ tư là đúng nhất, vì một trái tim tốt chứa đựng tất cả mọi thứ tốt khác. Nhưng sư phụ lưu ý thêm: Một trái tim tốt không chỉ là một trái tim sạch mà còn phải là một trái tim đầy, bởi vì một trái tim sạch có thể chỉ là một trái tim trống rỗng, còn một trái tim đầy thì chan chứa tình thương.

Vâng, Chúa Giêsu của chúng ta có một đường hướng sâu sắc về “tính phổ quát”. Người huấn luyện dần dần các môn đệ để thành những người loan báo Tin mừng ở trong những môi trường có văn hóa khác với môi trường Do Thái cổ truyền: Những khuôn khổ chật hẹp và rất cá biệt của đạo Do Thái không quá khắc khe, để chỉ còn giữ những điều cốt yếu, nhằm cho người ngoại giáo có thiện chí, không có những tục lệ về ăn uống như người Do Thái, có thể đón nhận đức tin. Đó chính là sứ vụ mà Chúa trao cho mỗi chúng ta loan báo Tin mừng của Người. Thư thánh Giacôbê Tông đồ mời gọi ta sống lề luật Chúa bằng một hành động cụ thể: “Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em”.

Lạy Chúa Giêsu, lời của thánh Âu Tinh: “Thống nhất trong điều chính yếu, tự do trong điều tùy phụ, và trên hết mọi điều phải có đức Ái.” Xin cho con đến với Chúa và đến với nhau bằng một tình yêu và lòng bao dung thật sự, để nhận ra chính khi chúng con giúp nhau sống Lề Luật Chúa là lúc chúng con mỗi ngày nhờ huấn lệnh của Chúa mà hoàn thiện con người và nhân cách của chúng con trở thành một Kitô hữu sống thánh. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.